Những khó khăn của ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập WTO?



Với việc Việt Nam gia nhập WTO, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là:

  • Thuế nhập khẩu hàng dệt may giảm, cạnh tranh trong nước gay gắt hơn:


Dệt may là một trong những nhóm hàng hóa Việt Nam có cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu lớn nhất (m ức thuế suất bình quân được cắt giảm từ 37,3% trước thời điểm gia nhập xuống còn 13,7%) và việc cắt giảm này được thực hiện ngay kể từ ngày 11/1/2007.

Việt Nam cũng cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong Hiệp định dệt may (với mức giảm thuế lớn, ví dụ thuế suất đối với vải giảm từ 40% xuống 12%, quần áo may sẵn giảm từ 50% xuống 20% và sợi giảm từ 20% xuống 5%).

  • Với cam kết xóa bỏ các hình thức trợ cấp không được phép, ngành dệt may không còn được hưởng một số loại hỗ trợ như trước đây:


Các hình thức hỗ trợ xuất khẩu và thưởng xuất khẩu từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu; các biện pháp miễn giảm thuế hoặc tiền thuê đất gắn với điều kiện xuất khẩu; các ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển đều bị bãi bỏ.

Một số ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích xuất khẩu dù vẫn được duy trì nhưng sẽ phải chấm dứt trước ngày 11/1/2012 (chỉ áp dụng đối với các ưu đãi đầu tư đã dành cho các dự án đã được cấp phép và đi vào hoạt động trước ngày 11/1/2007).

  • Nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở các thị trường xuất khẩu lớn hơn :


Cùng dỡ bỏ các hạn ngạch xuất khẩu khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào các thị trường quan trọng được dự báo là sẽ gia tăng nhanh chóng. Điều này có thể khiến nguy cơ hàng dệt may bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nước ngoài lớn hơn.

Liên quan đến nguy cơ này, ngày 11/1/2007, Hoa Kỳ cũng chính thức bắt đầu Chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam (dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008) nhằm theo dõi tình hình nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ và sẵn sàng cho việc khởi xướng vụ điều tra chống bán phá giá nếu thấy có hiện tượng liên quan. Chương trình này đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành dệt may Việt Nam (nhiều khách hàng lo ngại nguy cơ kiện chống bán phá giá có xu hướng chuyển nhiều đơn hàng sang các nước khác).

Đây là những khó khăn mà doanh nghiệp dệt may thực tế phải đối mặt (không phải ở dạng tiềm năng như các cơ hội mà ngành này có thể được hưởng từ việc Việt Nam gia nhập WTO). Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chính sách, biện pháp cụ thể nhằm chủ động, nhanh chóng khắc phục và vượt qua những khó khăn này.

Bình luận