Năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trên trường quốc tế?



Ngành dệt may là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong nhiều năm qua, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trong cạnh tranh quốc tế, đây cũng là ngành mà Việt Nam có thế mạnh – Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của Việt nam chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các nhóm hàng. Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai sau dầu thô.

Tuy nhiên, thực tế sau một năm trở thành thành viên của WTO cho thấy xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn chưa đạt được mức tiềm năng như mong muốn. Khả năng mở rộng thị trường còn nhiều thách thức. Tình hình khó khăn hơn trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.






Hộp 2 - Hàng dệt may Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng dệt may Việt Nam, s ong xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 3,26% tổng kim ngạch hàng dệt may nhập khẩu của nước này, sau Trung Quốc, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a (hàng năm Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu trên 100 tỷ USD) .

Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Đầu năm 2007, Hoa Kỳ đã áp đặt cơ chế giám sát đặc biệt dệt may (dự kiến đến hết 2008 nhưng có thể bị gia hạn) đối với 5 nhóm hàng dệt may của Việt Nam là quần, áo sơ mi, đồ lót, đồ bơi và áo len (và cơ quan quản lý của Hoa Kỳ có thể xem xét tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá nếu báo cáo giám sát phát hiện có hiện tượng hàng dệt may Việt Nam bán phá giá gây thiệt hại). Điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ trở nên dè dặt hơn khi ký kết các hợp đồng nhập khẩu với doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2009, chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc ở thị trường này sẽ chấm dứt. Điều này được dự báo là sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam trong cạnh tranh, hơn nữa Việt Nam có thể bị liên đới trong các vụ kiện chống bán phá giá nếu có đối với hàng dệt may Trung Quốc.

 






Hộp 3 - Hàng dệt may Việt Nam trên thị trường EU

EU là thị trường tiềm năng và truyền thống của hàng dệt may Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may những năm gần đây của EU vào khoảng 180 tỷ USD. Đặc điểm của thị trường này với nhiều thị trường ngách, nhu cầu hàng dệt may rất đa dạng từ hàng có phẩm cấp thấp đến hàng có chất lượng cao. Do đó, thị trường EU rất phù hợp năng lực sản xuất và đặc điểm của ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may từ Trung Quốc do chế độ hạn ngạch mà EU áp dụng đối với hàng dệt may Trung Quốc được xóa bỏ. So với Việt Nam, hàng dệt may Trung Quốc có năng lực cạnh tranh lớn do chủ động được nguyên phụ liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại chủng loại hàng hoá. 







Hộp 4 - Hàng dệt may Việt Nam trên thị trường Nhật Bản

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam. Hàng năm Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD hàng dệt may (xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này hiện chiếm khoảng 2,8%).

Trong thời gian tới, hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may từ các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Brunei và Thái Lan) do mức thuế quan áp dụng đối với hàng dệt may từ các nước này đã được giảm xuống 0% trong khuôn khổ Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN-Nhật Bản.

Cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với hàng dệt may trong thời gian tới dự báo sẽ căng thẳng hơn. Nhiều nước trên thế giới hiện đang tập trung vào việc nâng cao đẳng cấp, chất lượng sản phẩm hàng dệt may để cạnh tranh. Trong khi đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu đang làm giảm đáng kể nhu cầu đối với hàng dệt may. Yếu tố này cùng với việc Trung Quốc được Hoa Kỳ và EU bãi bỏ chế độ hạn ngạch, hàng dệt may của Việt Nam sẽ đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may từ Trung Quốc và các nước châu Á khác như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Srilanka.

Bình luận