Thực tiễn thi hành Luật VAT cho thấy, Luật này đã góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Việc hoàn thuế VAT đầu vào đối với các dự án đầu tư đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng. Việc áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ngoài ra, việc ban hành Luật VAT với những nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế là một bước tiến mới trong quá trình thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các hiệp định về thuế. Theo cam kết của Việt Nam khi hội nhập quốc tế, Việt Nam phải cắt giảm thuế quan, đồng thời phải bãi bỏ các khoản trợ cấp trực tiếp từ ngân sách cho doanh nghiệp, việc thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu, hoàn thuế cho hàng xuất khẩu đã góp phần điều chỉnh cơ chế kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn khuyến khích được các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, bảo hộ nền sản xuất trong nước và bù đắp cho ngân sách phần thiếu hụt do cắt giảm thuế quan.
Luật VAT ban hành là cơ sở pháp lý vững chắc để ổn định nguồn thu từ thuế VAT vào ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Luật thuế VAT đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý thuế.
Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, trong quá trình thực thi Luật VAT cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần được sửa đổi. Luật VAT bao gồm 16 điều với những quy định đơn giản, còn thiếu cụ thể, tạo ra nhiều lỗ hổng và gây nên sự tùy tiện trong quá trình áp dụng. Điều này dẫn đến phải ban hành các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản này lại chỉ là những giải pháp tình thế, không dựa trên một cơ sở lý luận có hệ thống về điều chỉnh pháp luật VAT, thậm chí nhiều lúc còn mâu thuẫn với luật, dẫn đến sắc thuế VAT nhiều khi bị bóp méo. Dưới đây chúng tôi xin nêu ra những bất cập chính của Luật VAT và hướng sửa đổi.
1. Về đối tượng chịu thuế và đối tượng không thuộc diện chịu thuế
Điều 3 Luật VAT quy định: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”. Vậy về nguyên tắc, mọi hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế VAT. Điều này rất cần thiết để đảm bảo tính liên hoàn của thuế VAT. Việc giảm thuế VAT thường không được đặt ra bởi nếu giảm thuế sẽ không đảm bảo tính liên hoàn nêu trên cũng như tính trung lập kinh tế của thuế VAT. Tuy nhiên, bất kỳ một quốc gia nào khi xem xét ban hành Luật VAT cũng đều tính tới ngoại lệ trong đối tượng chịu thuế, bởi lẽ xuất phát từ yêu cầu phải thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội nhất định. Chính vì vậy, hiện nay theo Luật VAT, có 25 đối tượng không thuộc diện chịu thuế VAT. Đây là những hàng hóa, dịch vụ mang tính thiết yếu, phục vụ cho đời sống nhân dân, không mang tính chất kinh doanh hoặc là những hàng hóa, dịch vụ được nhập khẩu vì mục tiêu nhân đạo, hàng hóa, dịch vụ của các ngành cần khuyến khích phát triển (như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm muối), hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị tăng thêm (dịch vụ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm vật nuôi…), hàng hóa mang tính chất phục vụ nhu cầu đặc biệt của Nhà nước cần bảo mật (vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh)… Có thể nhận định rằng, việc quy định trên là phù hợp với chủ trương chung về ưu đãi thuế, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp lại mâu thuẫn với mục tiêu của các nhà làm luật và các nhà hoạch định chính sách ưu đãi này. Ví dụ, đối với các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm không thuộc diện chịu thuế thì giá thành sản phẩm thường cao vì giá này thường bao gồm cả số thuế VAT đã trả khi mua nguyên liệu, máy móc, thiết bị vào (do không có thuế VAT đầu ra để khấu trừ). Ngược lại, đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế VAT nhưng do nguyên liệu đầu vào thuộc diện không chịu thuế nên không được hưởng lợi thế khấu trừ, vì vậy khi áp dụng thuế VAT sẽ phải tăng giá bán hoặc giảm giá mua để đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 5 Luật VAT quy định: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu” không thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Vậy đối với trường hợp doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hình thức ký hợp đồng chăn nuôi với các hộ gia đình có tay nghề cao, doanh nghiệp chỉ cung cấp thuốc men, con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, còn hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức nuôi, trao sản phẩm và được thanh toán tiền công. Vậy doanh thu từ tiền chăn nuôi của hộ gia đình có thuộc đối tượng chịu thuế VAT không? Khi thu hồi sản phẩm, doanh nghiệp bán sản phẩm chưa qua chế biến có thuộc đối tượng chịu thuế không? Điều này chưa được làm rõ, gây ra cách hiểu không nhất quán.
Một số hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế như “hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước” được đưa vào luật nhằm thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc quy định như vậy là không rõ căn cứ, rất khó xác định đâu là hàng hóa, dịch vụ của cá nhân có thu nhập thấp, cá nhân có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, việc quy định đối tượng không thuộc diện chịu thuế tại Khoản 23 Điều 5 “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến theo quy định của Chính phủ” còn nhiều bất cập, bởi lẽ đây là loại sản phẩm đặc thù, chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành - Luật Khoáng sản. Nếu Nghị định của Chính phủ không theo quy định của luật này, có cách hướng dẫn khác, thì theo nguyên tắc áp dụng pháp luật vẫn phải theo quy định của Luật Khoáng sản. Nếu Nghị định theo quy định của Luật Khoáng sản thì khi luật này sửa đổi, nghị định cũng phải sửa theo. Việc luật thuế VAT không quy định cụ thể về vấn đề trên mà lại trao thẩm quyền cho Chính phủ hướng dẫn sẽ dẫn đến tình trạng bất lợi về hiệu lực áp dụng, gây ra sự chậm trễ trong áp dụng pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi của các chủ thể trong quan hệ thuế VAT.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị mở rộng đối tượng chịu thuế, thu hẹp diện không chịu thuế VAT bằng cách chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang diện chịu thuế hoặc loại bỏ một số hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế. Điều này phù hợp với chủ trương của Nhà nước hiện nay là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và cũng là để đảm bảo tính liên hoàn của thuế VAT. Ví dụ, chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sau vào diện chịu thuế:
- Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
- Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
- Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ.
- Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến theo quy định của Chính phủ.
Bỏ khoản 25 Điều 5 Luật VAT: “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước” vì khó áp dụng, thiếu tính thực tế.
2. Thuế suất thuế VAT
Hiện nay Luật VAT có hai mức thuế suất 5% và 10% (không kể thuế suất 0%). So với mục tiêu cải cách thuế bước 3 thì Luật VAT năm 2008 đã không hoàn thành. Nguyên nhân là do một số hàng hóa, dịch vụ (sản phẩm thiết yếu, sản phẩm công nghiệp nặng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp...) vẫn cần có sự ưu đãi từ phía Nhà nước thông qua việc áp dụng mức thuế suất thấp hơn các hàng hóa, dịch vụ khác. Tuy nhiên, việc quy định cùng lúc nhiều mức thuế suất đã tạo ra sự không công bằng giữa các hàng hóa, dịch vụ thuộc các mức thuế suất khác nhau. Hơn nữa, việc quy định này lại dựa trên công dụng của hàng hóa hoặc nguyên vật liệu trong kết cấu nên rất khó xác định thuế suất đối với từng mặt hàng. Trên thực tế, cơ quan thuế và doanh nghiệp nhiều khi cũng không xác định được hàng hóa chịu mức thuế suất là bao nhiêu (5% hay 10%). Ví dụ, Khoản 2 Điểm c, Điều 8 Luật VAT quy định: Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác thuộc diện áp dụng thuế suất 5%. Thực tế có những sản phẩm vừa sử dụng với mục đích làm thực phẩm cho con người, vừa làm thức ăn gia súc như ngô mảnh, sắn mảnh... thì áp dụng thuế suất là bao nhiêu (5% hay 10%)? Điều này cho thấy, xét về hiệu quả quản lý và cả về mặt lý luận thì xu hướng chuyển dần sang áp dụng một mức thuế suất là phù hợp và cần thiết, hạn chế được những cách hiểu và vận dụng luật không thống nhất, gây bất bình đẳng.
Ngoài ra, hiện nay, việc xây dựng tiêu chí cơ bản nhằm xác định khi nào thì dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất VAT 0% chưa rõ ràng, do đó, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc muốn được hưởng lợi ích của quy định này. Vì vậy, về thuế suất 0% đối với dịch vụ cần phải có quy định cụ thể trong luật thuế VAT, bởi lẽ việc xuất khẩu dịch vụ rất khó kiểm soát, rất có thể bị lợi dụng để được hoàn thuế đầu vào khống, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thông tư 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% khi đáp ứng các điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện dịch vụ này phải được “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam” và chỉ áp dụng trong trường hợp dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan nhưng địa điểm cung cấp và tiêu dùng dịch vụ ở ngoài khu phi thuế quan. Việc quy định này gây phản ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp chế xuất kinh doanh vận tải, bởi lẽ nhiều khi không xác định được là tiêu dùng trong hay ngoài nội địa như dịch vụ vận chuyển hàng từ cảng về doanh nghiệp, dịch vụ ngân hàng. Do doanh nghiệp chế xuất không phải là đối tượng nộp thuế VAT nên không được khấu trừ VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ này mà phải đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh làm tăng chi phí. Điều này thật bất lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dù là tiêu dùng trong hay ngoài nội địa thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài nên về nguyên tắc, phải được hưởng thuế suất 0%.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là tại sao chỉ ràng buộc điều kiện về dịch vụ tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan mà không áp dụng đối với dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nói chung? Nếu không áp dụng thì cơ sở đánh thuế đối với trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng các dịch vụ tại Việt Nam là gì? Thực tế, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam nếu tiêu dùng dịch vụ tại Việt Nam vẫn phải thanh toán theo giá đã có thuế. Việc quy định không rõ ràng đã dẫn đến sự không công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế và hiện tượng gian lận thuế dễ xảy ra. Ví dụ, dịch vụ ăn uống cung cấp cho cá nhân nước ngoài hay trong nước thì đều áp dụng thuế suất VAT 10% nhưng dịch vụ tư vấn cung cấp cho cá nhân trong nước thì có thuế suất là 10% còn cung cấp cho người nước ngoài được áp dụng thuế suất 0%, mặc dù người nước ngoài đó đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ tư vấn tại Việt Nam nhưng người cung cấp dịch vụ tư vấn chỉ cần xuất trình cho cơ quan thuế hợp đồng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng chứ không có nghĩa vụ xác định dịch vụ được thực hiện và tiêu dùng ở đâu.
Một trong những điều kiện tiên quyết cho việc doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ được áp dụng mức thuế suất VAT 0% là dịch vụ phải được dùng “ngoài lãnh thổ Việt Nam”, nhưng khái niệm này lại không được hướng dẫn trong các văn bản, gây ra cách hiểu khác nhau.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính đã đưa ra tiêu chuẩn mới là tổ chức ở nước ngoài “không có cơ sở thường trú ở Việt Nam” để được hưởng thuế suất thuế VAT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung. Điều 2 Nghị định 123/2008/NĐ-CP và Công văn 3824/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 18/9/2009 có hướng dẫn khái niệm “cơ sở thường trú ở Việt Nam” được xác định theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là điều rất khó, các văn bản hướng dẫn lại không có quy định về vấn đề này, gây khó khăn cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế khi thực hiện quy định trên.
Từ các phân tích trên cho thấy, Luật VAT phải có các quy định rõ ràng, dễ hiểu và tạo một cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của mọi chủ thể tham gia quan hệ thuế VAT: người nộp thuế, người chịu thuế và Nhà nước. Luật VAT nên quy định: Dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% khi thỏa mãn cùng một lúc các điều kiện sau: (1)có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với đối tác nước ngoài; (2)Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng; (3)Tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được địa điểm tiêu dùng thì áp dụng thuế suất như đối với tiêu dùng nội địa.
3. Ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT, đối tượng nộp thuế và phương pháp tính thuế VAT
Về ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT: Theo pháp luật các nước, việc xác định đối tượng nộp thuế VAT không chỉ căn cứ vào hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT mà còn phụ thuộc vào doanh thu kinh doanh của cơ sở kinh doanh. Ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT là mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế VAT hàng năm của một cơ sở kinh doanh đạt được, từ mức doanh thu này trở lên cơ sở kinh doanh phải nộp thuế VAT theo quy định của pháp luật. Việc quy định trong Luật VAT về ngưỡng doanh thu chịu thuế sẽ tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh có doanh thu thấp giảm bớt chi phí tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế do chỉ phải nộp thuế với phương pháp đơn giản, xóa bỏ tình trạng người nộp thuế VAT nhỏ đóng góp không đáng kể đối với số thu nhưng lại tạo gánh nặng chi phí lớn. Trên cơ sở đó, có chính sách thuế đơn giản hơn cho các đối tượng đạt doanh thu dưới ngưỡng. Điều này phù hợp với lý thuyết xây dựng chính sách thuế và nhu cầu thực tiễn của các hộ kinh doanh hiện nay.
Cụ thể, nên có quy định chung về một ngưỡng doanh thu cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới ngưỡng thì không phải nộp thuế, trên ngưỡng thì phải nộp thuế VAT đơn giản theo tỷ lệ trên doanh thu. Mức doanh thu này được xác định dựa trên doanh thu tại báo cáo quyết toán thuế cuối năm.
Về đối tượng nộp thuế: Luật VAT cần thu hẹp đối tượng nộp thuế bao gồm các đối tượng có doanh thu trên ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu của thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Về phương pháp tính thuế: nên áp dụng một phương pháp khấu trừ thuế, bỏ phương pháp tính thuế trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm bởi lẽ điều này trái với bản chất của thuế VAT là thuế gián thu liên hoàn và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội. Nếu pháp luật VAT xác định ngưỡng doanh thu chịu thuế thì phương pháp tính thuế trực tiếp sẽ không có cơ sở để tồn tại.
4. Bỏ quy định khấu trừ thuế VAT đối với các hóa đơn, chứng từ kê khai quá thời hạn sáu tháng
Thực chất việc xuất trình các hóa đơn chứng từ mua hàng cũng là để xác định cơ sở kinh doanh có thực mua hàng hóa, dịch vụ nhằm mục tiêu kinh doanh hay không. Vì vậy, không kể hóa đơn đó phát sinh tại thời điểm nào nếu doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện về thanh toán qua ngân hàng, hóa đơn, chứng từ thì nên cho phép được khấu trừ, trên cơ sở đó bảo vệ quyền lợi của những chủ thể này./.
Lê Thị Thu Thủy - PGS, TS. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguyễn Quang Anh - ThS, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử
Bình luận