Việc Việt Nam gia nhập WTO có tác động như thế nào đến doanh nghiệp và nông dân ngành chăn nuôi?

Với năng lực cạnh tranh thấp, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn thách thức khi Việt Nam mở cửa thị trường chăn nuôi cho sản phẩm nước ngoài (thông qua việc hạ mức thuế nhập khẩu và bỏ các biện pháp hạn ngạch, cấm nhập khẩu…). Mức độ tác động của hội nhập đối với từng sản phẩm sẽ phụ thuộc vào mức giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm đó.

Nhìn vào biểu thuế cam kết theo WTO và theo các cam kết khu vực thì cam kết khu vực mạnh hơn nhiều (mức giảm thuế nhập khẩu nhiều hơn). Tuy nhiên, khác với một số ngành hàng trồng trọt phải chịu sức ép lớn hơn từ cam kết khu vực, ngành chăn nuôi sẽ chịu tác động mạnh nhất từ cam kết của WTO (chứ không phải từ cam kết khu vực). Lý do là tuy cam kết khu vực có mức cắt giảm thuế cao hơn, thời hạn ngắn hơn, nhưng do trình độ phát triển chăn nuôi của các nước trong khu vực không cao hơn Việt Nam bao nhiêu nên khả năng các sản phẩm chăn nuôi tràn vào từ các nước này vào Việt Nam do thuế nhập khẩu giảm theo các cam kết khu vực là không đáng kể. Trong khi đó, các nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm chăn nuôi như Úc, New Zealand, Mỹ, EU…có lợi thế không chỉ ở quy mô và trình độ sản xuất mà còn có nhiều lợi thế về chất lượng, vệ sinh ATTP, và cam kết giảm thuế theo WTO sẽ là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi có sức cạnh tranh mạnh từ các nước này vào Việt Nam thuận lợi hơn.

Trong ngành chăn nuôi, mức độ chịu sự tác động của cam kết WTO giảm dần từ sản phẩm bò sữa, thịt bò, gia cầm, thịt lợn đến sản phẩm ong.






Hộp 1 - Tác động của WTO đối với ngành chăn nuôi bò sữa

Chăn nuôi bò sữa sẽ chịu tác động nhiều nhất do sản xuất trong nước ít, phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Các đối thủ mạnh về xuất khẩu sữa là Úc, New Zealand, Mỹ, EU. Người nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ là đối tượng chịu tác động nhiều hơn so với các nhà máy chế biến sữa.

Nhập khẩu thịt bò từ Úc, New Zealand, Mỹ có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân chính một phần do giảm thuế, nhưng phần lớn là do chất lượng cao và đảm bảo VSATTP của các sản phẩm nhập ngoại sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ.







Hộp 2 - Tác động của WTO đối với ngành gia cầm

Tuy không phải cắt giảm thuế theo cam kết WTO, nhưng với tình hình giá gà trong nước cao, tình trạng dịch cúm gia cầm chưa khống chế được triệt để, mức độ nghi ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với gia cầm trong nước, khả năng nhập khẩu gia cầm từ nước ngoài được dự báo sẽ tăng.

Ngành chăn nuôi gia cầm vì thế sẽ khó khăn hơn trong cạnh tranh để giữ thị phần nội địa.

Hộp 3 - Tác động của WTO đối với sản phẩm ong

Phần lớn sản lượng mật ong sản xuất ra để dành cho xuất khẩu, sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Hàn quốc vv… Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của cam kết WTO đối với mật ong là rất thấp.

Bình luận