Nghị định về kiểm soát thương nhân nước ngoài ở Việt Nam đã lỗi thời

Nghị định đã lạc hậu

Ông Võ Văn Quyền cho biết trong tháng 8 này Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh dự thảo thông tư hướng dẫn quy định hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài. Nội dung nhấn mạnh vào việc phân loại thương nhân nước ngoài với các điều kiện khi tham gia mua bán hàng hóa, xuất nhập khẩu, có cả chế tài xử lý các trường hợp mua bán trái phép...

Nhìn lại Nghị định 90/2007 có thể thấy đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh là thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Đây là thương nhân nước ngoài không đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo các hình thức quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thương mại; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo Luật Thương mại. Nếu muốn thu mua hàng hóa tại Việt Nam, họ phải đăng ký quyền xuất nhập khẩu khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất nhập khẩu đối với các loại hàng hóa được phép xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo lộ trình cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam...

Thế nhưng "đã muốn làm ăn gian dối thì chẳng ai dại gì đi đăng ký ở Vụ Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương. Sang Việt Nam bằng hình thức du lịch vừa dễ dàng về thủ tục nhập cảnh, lại dễ thu mua nông sản thông qua thương lái Việt Nam. Nếu có bị cơ quan quản lý "hỏi thăm" họ vẫn "qua mắt" được vì không có giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng để làm bằng chứng. Vì vậy, khó mà kiểm soát họ bằng việc phải đăng ký ở Sở Công Thương" - GS Võ Tòng Xuân phân tích.

Theo GS Xuân, vì đã ra đời được hơn năm năm nên Nghị định 90/2007 không còn theo kịp những chiêu thức lách luật, biến tướng của thương nhân nước ngoài hiện nay. Việc chậm trễ này cũng cho thấy sự bàng quan của cơ quan quản lý. Nếu có ban hành thông tư hướng dẫn bây giờ cũng khó mà quản lý, kiểm soát.

2011: Người dân tại hai huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long) ồ ạt chuyển đất trồng lúa sang trồng khoai lang tím Nhật để bán cho thương lái Trung Quốc vì họ mua tất cả kích cỡ với giá cao. Cuối tháng 5-2012, giá giảm 4-5 lần, thương lái còn lấy cớ khoai lớn củ nên không mua hoặc ép bán với giá rất thấp.

5-2012: Huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra tình trạng khách du lịch Trung Quốc giả danh thương lái thu mua cua của người dân xong rồi quỵt nợ trên chục tỉ đồng, không có hóa đơn hay giấy tờ giao dịch nào chứng minh.

6-2012: Hàng trăm hộ dân trồng ớt ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chết dở do các đầu mối thu mua ớt tươi bán lại cho thương lái Trung Quốc dừng mua đột ngột. Sau khi thương lái rút lui, ớt tươi rớt giá thê thảm.

Thương lái Trung Quốc đẩy giá dừa cao rồi thu mua hàng loạt khiến DN tại Bến Tre phải sang Indonesia mua dừa về chế biến. Giá dừa sau đó sụt thảm hại.









Theo Pháp luật TP.HCM)

Bình luận