Luật doanh nghiệp 2014: những đột phá thể chế

Ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 Chương 213 Điều với nhiều điểm mới tích cực. Sau cuộc đột phá về thể chế của văn bản mang tên “Luật Doanh nghiệp” năm 1999, thì Luật Doanh nghiệp 2014 được coi là cuộc đột phá thể chế lần hai và là sự mong mỏi, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp.


Thực tế cho thấy, nếu như cơ quan nhà nước không thể thống kê và liệt kê ra hết những ngành nghề được phép kinh doanh, thì tại sao không lựa chọn phương án chỉ thống kê các ngành nghề cấm đăng ký kinh doanh? Không phải đến tận hôm nay, khi được sửa đổi Luật Doanh nghiệp mới có quy định về vấn đề: doanh nghiệp, cá nhân được kinh doanh ngành, nghề pháp luật không cấm. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp đã có bước đột phá mạnh mẽ khi đưa quy địnhnày vào, nếu không có đột phá này, thì khó có được con số khoảng 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động như hiện nay, mà nền kinh tế của Việt Nam có thể đã rẽ sang một hướng khác.

Những tư tưởng đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã tạo cơ sở cho nhiều văn bản pháp luật sau này “nói không với giấy phép”. Ngày 03/02/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg về bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, theo đó 84 loại giấy phép bị bãi bỏ. Nhìn vào con số này, không khỏi nhiều người giật mình và ngỡ ngàng với sự tồn tại lẽ ra không cần có của các loại giấy phép hành nghề như: đánhmáy chữ, photocopy, đóng xén sách, dạy khiêu vũ, cho thuê âm thanh, sửa chữa nhạc cụ, bán đồ mỹ nghệ lưu niệm… Sáu tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2000/NĐ-CP ngày 11/08/2000 của Chính phủ để tiếp tục bãi bỏ 27 giấy phép và chuyển 34 giấy phép thành điều kiện kinh doanh. Hai năm sau, Chính phủ ban hành nghị định số 59/2002/NĐ-CP ngày 04/06/2002 bãi bỏ 4 loại giấy phép hành nghề và thay thế một số giấy phép bằng phương thức quản lý khác.

Năm 2005, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, tiếp tục tạo ra bước đột phá, chuyển từ tư duy, cơ chế “xin-cho” sang tư duy tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân. Theo Luật Doanh nghiệp 2005 tất cả những giấy phép, điều kiện kinh doanh không được quy định tại Luật, Pháp lệnh, Nghị định sẽ tự hết hiệu lực từ 01/09/2008. Cuộc chiến “nói không với giấy phép” dường như thắng thế và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thành lập mới và mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, sau gần 9 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi mà việc bước vào thị trường kinh doanh cũng như rút khỏi thị trường kinh doanh ở nước ta trở nên phức tạp và tốn kém hơn mức cần thiết.

Bước đột phá thể chế lần hai này, được nhiều người dân và doanh nghiệp chờ đợi, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới tích cực. Những quy định này đã thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp, theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.

Bình luận