Lộ trình mở cửa dịch vụ WTO

PHẦN II LỘ TRÌNH MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ VIỆT NAM THEO CAM KẾT GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO)

Trải qua 12 năm đàm phán gia nhập và thực hiện cải cách kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa theo hướng phù hợp với các chính sách minh bạch, tự do hóa của WTO, Việt Nam đã gia nhập WTO vào ngày 07/11/2006 và có tư cách thành viên đầy đủ của WTO kể từ ngày 11/01/2007. Kết quả đàm phán giữa Việt Nam và các thành viên WTO về việc mở cửa thị trường dịch vụ là nội dung được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm sâu sắc. Theo nội dung của Biểu Cam Kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam (Biểu Cam Kết), có tất cả 11 ngành và 155 phân ngành dịch vụ được các Thành viên WTO tiến hành đàm phán và đạt được thỏa thuận.
1. Dịch vụ kinh doanh Sau ngày 11/01/2007, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để kinh doanh các dịch vụ sau: dịch vụ kế toán, kiểm toán và sổ kế toán, dịch vụ thuế, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan, dịch vụ nghiên cứu và phát triển, dịch vụ cho thuê không kèm người điều khiển. Riêng dịch vụ nghiên cứu thị trường, dịch vụ quản lý, dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý thì doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện kể từ ngày 01/01/2009.
Đối với dịch vụ quảng cáo (trừ quảng cáo thuốc lá), nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập liên doanh mà không hạn chế phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh kể từ ngày 01/01/2009.
Đối với dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ, kể từ ngày 11/01/2010, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu đến 51% vốn điều lệ của liên doanh, và kể từ ngày 11/01/2012, nhà đầu tư được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học kỹ thuật, sau ngày 11/01/2011, các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập.
Kể từ ngày 11/01/2010 đến trước ngày 11/01/2015, Việt Nam cho phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ liên quan đến sản xuất, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 50% vốn điều lệ của liên doanh. Sau ngày 11/01/2015, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Đối với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị (không bao gồm sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển, máy bay, hoặc các phương tiện và thiết bị vận tải khác), từ ngày 11/01/2010 đến trước ngày 11/01/2012, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 51% vốn điều lệ của công ty liên doanh và sau ngày 11/01/2012 được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp, và với điều kiện tỷ lệ sở hữu của phía nước ngoài không quá 51% vốn điều lệ trong liên doanh.
2.Dịch vụ phân
phối Kể từ ngày 01/01/2009, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để kinh doanh dịch vụ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đại lý hoa hồng và nhượng quyền thương mại ngoại trừ một số sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Sau ngày 11/01/2010, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bán buôn, bán lẻ và đại lý hoa hồng tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam. Tuy nhiên, thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía và đường củ cải không thuộc phạm vi cam kết trên của Việt Nam. Sau ngày 11/01/2010, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập chi nhánh để thực hiện dịch vụ nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Các tiêu chí chính để kiểm tra là: số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý.
Mặc dù Biểu Cam Kết đã nêu rõ lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối, trên thực tiễn, quy trình cấp phép đầu tư vẫn yêu cầu phải có sự phê duyệt của Bộ Công Thương cho từng trường hợp cụ thể. Do đó, vẫn còn rào cản để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận hoàn toàn thị trường phân phối Việt Nam.
3. Dịch vụ tài chính

a. Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm:

Theo nội dung cam kết, các doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép cung cấp các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc từ ngày 01/01/2008, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điệu kiện về thời gian hoạt động hợp pháp ở nước sở tại (ít nhất mười (10) năm) và tổng tài sản tối thiểu (tương đương 2 tỷ đô la Mỹ). Sau ngày 11/01/2012, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được thiết lập các chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

b. Dịch vụ chứng khoán Nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện hoặc sở hữu đến 49% vốn điều lệ của các công ty chứng khoán liên doanh tại Việt Nam, sau ngày 11/01/2012, được phép thành lập các công ty 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh. Chi nhánh của công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được cung cấp một số các dịch vụ như: dịch vụ quản lý tài sản, quản lý quỹ đầu tư, lưu ký, thanh toán bù trừ, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, tư vấn và các hoạt động môi giới và phụ trợ khác liên quan đến chứng khoán…
c. Dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác Các ngân hàng thương mại nước ngoài được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện về tổng mức tài sản tối thiểu. Từ ngày 01/01/2011, chi nhánh của ngân hàng nước ngoài được phép nhận tiền gửi Việt Nam đồng ở mức tương tự các ngân hàng trong nước nhưng không được phép mở các điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của chi nhánh. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam hay các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam được cổ phần hóa, tuy nhiên tổng số cổ phần do phía nước ngoài sở hữu không quá 30% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại trong nước.
4. Dịch vụ vận tải

a. Dịch vụ vận tải biển:

Nội dung cam kết của Việt Nam đối với các dịch vụ vận tải biển được đánh giá là khá cao so với cam kết của các nước đã gia nhập WTO trước đây, kể cả đối với Trung Quốc. Theo đó, kể từ ngày 11/01/2009, các công ty vận tải biển nước ngoài được phép thành lập công ty liên doanh để khai thác đội tàu mang quốc tịch Việt Nam, và sở hữu đến 49% tổng vốn điều lệ của liên doanh. Kể từ ngày 11/01/2012, các công ty vận tải biển nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp các dịch vụ vận tải biển có liên quan tới hàng hóa do các công ty vận tải nước ngoài vận chuyển.

b. Dịch vụ vận tải hàng không Nội dung cam kết gồm dịch vụ tiếp thị và bán sản phẩm hàng không, dịch vụ đặt, giữ chỗ bằng máy tính và dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay sau ngày 11/01/2012, trước đó chỉ được liên doanh không quá 51%. Việc cung cấp dịch vụ đặt, giữ chỗ bằng máy tính phải sử dụng mạng viễn thông công cộng dưới sự quản lý của các cơ quan hữu quan Việt Nam. Ngoài ra, các hãng hàng không nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tiếp thị và bán sản phẩm hàng không thông qua văn phòng bán vé của mình hoặc đại lý tại Việt Nam.
c. Dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường sắt Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép tham gia thành lập liên doanh và sở hữu không quá 49% tổng vốn điều lệ của liên doanh cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường sắt tại Việt Nam.
d. Dịch vụ vận tải đường bộ Xuất phát từ thực tế là thị trường vận tải đường bộ nội địa còn phát triển nhỏ lẻ, do đó, các cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ này còn khá hẹp và còn bảo hộ lâu dài. Theo Biểu Cam kết, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép sở hữu đến 49% vốn điều lệ của liên doanh, và tùy theo nhu cầu thị trường, tỷ lệ được xem xét để tăng đến mức 51% sau ngày 11/01/2010.
e. Dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải Dịch vụ hỗ trợ tất cả các phương thức vận tải sẽ được mở cửa theo lộ trình tăng dần tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh. Kể từ ngày 11/01/2014, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, đồng thời, không hạn chế về tỷ lệ vốn góp nước ngoài trong các liên doanh cung cấp dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải khác, ngoại trừ dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ.
5. Dịch vụ thông tin

a. Dịch vụ chuyển phát nhanh

Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh và sở hữu tối đa 51% vốn điều lệ của liên doanh kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh. Sau ngày 11/01/2012, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bảo lưu một số hoạt động của dịch vụ chuyển phát nhanh có ý nghĩa thương mại quan trọng đối với doanh nghiệp trong nước, như: chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản có khối lượng dưới 2.000 gram và giá cước gấp 10 lần cước một bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước ở nấc khối lượng đầu tiên và thấp hơn 9 đôla Mỹ khi gửi quốc tế.

b. Dịch vụ viễn thông cơ bản: Đến trước ngày 11/01/2010, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông cơ bản không có hạ tầng mạng dưới hình thức liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn điều lệ của liên doanh. Kể từ ngày 11/01/2010, nhà đầu tư ngoài được phép tự do lựa chọn đối tác khi thành lập liên doanh và sở hữu tối đa 65% vốn điều lệ của liên doanh. Đối với dịch vụ viễn thông cơ bản có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ trong liên doanh với nhà khai thác dịch vụ đã được cấp phép tại Việt Nam.
c. Đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng Đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam và sở hữu tối đa 51% vốn điều lệ của liên doanh. Sau ngày 11/01/2010, tỷ lệ sở hữu vốn của phía nước ngoài trong liên doanh tăng thành 65%. Đối với các dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được sở hữu tối đa 50% vốn điều lệ trong các liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam.
d. Dịch vụ mạng riêng ảo (VPN): Riêng đối với dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) không có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được tự do lựa chọn đối tác liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn góp không được vượt mức 70% vốn điều lệ của liên doanh. Đối với mạng riêng ảo (VPN) có hạ tầng mạng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp không vượt quá 49% vốn điều lệ của liên doanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được kiểm soát dung lượng truyền dẫn cáp quang biển toàn chủ đối với các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam là thành viên, sau đó cung cấp lại dung lượng truyền dẫn này cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế có hạ tầng mạng được cấp phép tại Việt Nam.
e. Dịch vụ nghe nhìn Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp các dịch vụ này, và sở hữu phần vốn góp tối đa là 51% vốn điều lệ của liên doanh.
6.Dịch vụ giáo dục
Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập các cơ sở đào tạo 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn và các dịch vụ giáo dục khác.
Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hợp tác kinh doanh đối với các bậc giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông nhưng chỉ để dạy cho người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Riêng đối với giáo dục trung học phổ thông dành cho người nước ngoài và cả người Việt Nam, hiện nay được thí điểm thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
7.Dịch vụ môi trường
Nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép thành lập liên doanh để kinh doanh các dịch vụ môi trường sau: (i) Dịch vụ xử lý nước thải; (ii) Dịch vụ xử lý rác thải; (iii) Dịch vụ làm sạch khí thải; (iv) và dịch vụ xử lý tiếng ồn; (v) Dịch vụ đánh giá tác động môi trường. Trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn điều lệ của liên doanh. Kể từ ngày 11/01/2011, được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để kinh doanh dịch vụ môi trường nêu trên.
Việt Nam bảo lưu cam kết này đối với các dịch vụ được cung cấp để thực thi quyền hạn của Chính phủ như được quy định tại Điều I: 3(c) của GATS.
8.Dịch vụ du lịch
và các dịch vụ liên quan
Theo nội dung cam kết, đối với dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép đầu tư dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam mà không bị hạn chế tỷ lệ vốn góp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung ứng dịch vụ đưa khách từ nước ngoài vào Việt Nam và lữ hành nội địa đối với khách do công ty đưa vào du lịch Việt Nam. Đến trước ngày 11/01/2015, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nhà hàng cần phải tiến hành song song với đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc mua lại khách sạn (tuy nhiên việc đầu tư trong lĩnh vực khách sạn thì không buộc phải gắn với nhà hàng).
9.Dịch vụ xây
dựng và dịch vụ
kỹ thuật liên
quan
Kể từ ngày 11/01/2007, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật có liên quan, và sẽ được phép thành lập chi nhánh sau ngày 11/01/2010.
10.Dịch vụ y tế -
xã hội
Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nội dung Biểu Cam kết cũng yêu cầu vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu Đô la Mỹ, cho bệnh xá đa khoa là 2 triệu Đô la Mỹ và cho các cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn Đô la Mỹ.
11.Dịch vụ giải trí, văn hoá và thể
thao
Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập liên doanh với các đối tác Việt Nam đã được cấp phép để kinh doanh trò chơi điện tử. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 49% vốn điều lệ. Đối với dịch vụ giải trí, bao gồm: nhà hát, nhạc sống và xiếc chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 49% vốn điều lệ trong các liên doanh sau ngày 11/01/2012.

Bình luận