Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ đầu tiên của nhà phân phối FDI?

Cơ quan Nhà nước căn cứ vào đâu để cho phép hay từ chối việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ đầu tiên của nhà phân phối FDI?


Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam có quyền xem xét nhu cầu kinh tế để cho phép hay từ chối yêu cầu lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi của các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài.

Ví dụ:

Một doanh nghiệp phân phối A có vốn đầu tư nước ngoài muốn mở thêm một siêu thị bán lẻ tại địa phương X (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của doanh nghiệp A), cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ xem xét số lượng người tiêu dùng tại địa phương, số các siêu thị, cửa hàng hiện có, dự tính nhu cầu trong tương lai... để quyết định có cho phép doanh nghiệp A mở thêm siêu thị bán lẻ hay không.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét quyết định cho phép hay không cho phép doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài mở cơ sở bán lẻ thứ hai theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cam kết đảm bảo:

  • Quy trình xem xét, cấp phép cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất được xây dựng và công bố công khai; và

  • Việc kiểm tra nhu cầu kinh tế và quyết định cấp phép dựa trên các tiêu chí khách quan, bao gồm số lượng các nhà cung cấp dịch vụ (các cơ sở bán lẻ) đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và và quy mô địa lý.








Hộp 4 – Kiểm tra nhu cầu kinh tế là gì?
Kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test-ENT) có thể hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không.
Đây là một hình thức mang tính hạn chế hoạt động của nhà phân phối FDI (bởi nó phụ thuộc vào tiêu chí và sự xem xét theo từng trường hợp cụ thể của cơ quan có thẩm quyền).

 






Hộp 5 - Tiêu chí xem xét cho nhà phân phối FDI mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất theo pháp luật VN hiện hành?
Theo Thông tư 09/2007/TT-BTM (hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam), các tiêu chí để xem xét cho phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất bao gồm:

  1. Số lượng các cơ sở bán lẻ đã có tại khu vực địa lý liên quan;

  2. Sự ổn định của thị trường;

  3. Mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi xin phép đặt cơ sở bán lẻ;

  4. Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố đó.



Bình luận