Về thành viên Hội đồng quản trị là tổ chức
Theo quy định hiện nay của LDN thì thành viên Hội đồng quản trị phải là cá nhân, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đối với các cổ đông là tổ chức thì chỉ được quyền đề cử một (hoặc một số) cá nhân để tham gia HĐQT mà tổ chức đó là cổ đông theo tỷ lệ cổ phần mà tổ chức đó sở hữu. Tỷ lệ và số lượng người được đề cử được quy định tại điều 29.3 Nghị định 102/2010 NĐ-CP.
Như vậy vô hình trung luật đã tước bỏ quyền được tự đề cử làm thành viên Hội đồng quản trị của cổ đông là tổ chức (thực tế LDN 2005 đã “bỏ quên” quyền được tự ứng cử của cổ đông kể cả họ là cá nhân nếu họ nắm giữ 5% cổ phần trở lên) và cũng tước bỏ luôn quyền tổ chức đó được tự mình quản lý cổ phần của mình trong một công ty khác.
Hệ quả là cổ đông là tổ chức hoàn toàn mất quyền kiểm soát đối với thành viên HĐQT mà mình đề cử vì về mặt pháp lý cổ đông là tổ chức không có quyền bãi miễn thành viên HĐQT mà vấn đề này do ĐHĐCĐ của công ty có HĐQT quyết định. Như vậy sẽ không thể đảm bảo rằng thành viên HĐQT luôn hành động vì lợi ích của cổ đông (là tổ chức) mà mình đại diện, ngược lại họ còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để mưu cầu lợi ích riêng của mình.
Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có quy định liên quan đến một cổ đông là tổ chức ủy quyền cho người đại diện phần vốn góp và người đó đồng thời làm thành viên HĐQT tại ngân hàng mà cổ đông đó có vốn góp (cổ phần). Tuy nhiên điều 35.1.d lại quy định thành viên HĐQT của một ngân hàng (thương mại cổ phần) đương nhiên mất tư cách thành viên khi “không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức”.
Điều đó có nghĩa là một thành viên HĐQT đồng thời là người được đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp của một cổ đông là tổ chức sẽ đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT khi cổ đông là tổ chức đó rút ủy quyền đại diện phần vốn góp.
Quy định này hoàn toàn vô lý vì cá nhân này một lúc đóng hai vai trò khác nhau: một vai trò là người đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của cổ đông là tổ chức và một vai trò là thành viên HĐQT của ngân hàng nơi cổ đông là tổ chức góp vốn.
Trong vai trò người được ủy quyền đại diện phần vốn góp thì tư cách đại diện phụ thuộc vào ý chí của người ủy quyền đại diện. Có nghĩa là người ủy quyền có quyền đơn phương rút ủy quyền bất kỳ lúc nào và quan hệ ủy quyền sẽ đương nhiên chấm dứt khi người ủy quyền rút lại ủy quyền. Tuy nhiên trong vai trò của một thành viên HĐQT thì tư cách thành viên HĐQT phụ thuộc vào ý chí của ĐHĐCĐ của công ty có HĐQT.
Như vậy việc ủy quyền tham gia HĐQT của một cổ đông là tổ chức chỉ mang tính “đề cử, giới thiệu” còn việc chấp thuận người được đề cử đó hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của ĐHĐCĐ của ngân hàng mà cổ đông là tổ chức có góp vốn. Và như vậy việc rút ủy quyền đại diện phần vốn góp của một cổ đông không thể là lý do để thành viên HĐQT “đương nhiên” mất tư cách thành viên HĐQT được. Điều đó cũng có nghĩa cổ đông là tổ chức chỉ được quyền đề nghị ĐHĐCĐ của ngân hàng bãi miễn tư cách thành viên HĐQT sau khi rút ủy quyền đại diện phần vốn góp. Việc một cổ đông rút ủy quyền đại diện phần vốn góp dẫn đến chấm dứt tư cách thành viên HĐQT của một ngân hàng khác vừa vi phạm nghiêm trọng quyền của ĐHĐCĐ ngân hàng đó vừa vi phạm nghiêm trọng quyền của các cổ đông (ngoài cổ đông là tổ chức ủy quyền cho cá nhân người làm thành viên HĐQT) đã dồn phiếu bầu cho thành viên đó (Điều 29.3.a Nghị định 102/2010/NĐ CP quy định cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mới được đề cử tối đa một ứng cử viên. Đối với một ngân hàng thì việc một cổ đông sở hữu 10% cổ phần sẽ rất là khó khăn, vì vậy chắc chắn phải có sự liên kết của nhiều cổ đông để có thể dồn phiếu bầu của mình cho một ứng viên làm thành viên HĐQT).
Một vấn đề nữa được đặt ra là nếu việc một tổ chức ủy quyền cho một cá nhân làm thành viên HĐQTđược thì tại sao một cá nhân lại không được ủy quyền cho một tổ chức thay mặt mình làm thành viên Hội đồng quản trị để quản lý đồng vốn của mình đầu tư vào một công ty khác?
Thực tế cho thấy có nhiều tổ chức quản lý tài sản chuyên nghiệp đã ra đời (ví dụ các công ty quản lý quỹ) và họ tập trung được nhiều chuyên gia giỏi để quản lý tài sản của những người ủy thác. Như vậy nếu cổ đông ủy quyền hay nói cách khác đề cử một tổ chức quản lý có uy tín thay mặt mình làm thành viên HĐQT cũng sẽ là một trong những cơ chế khuyến khích đầu tư vào công ty cổ phần. Thành viên HĐQT là tổ chức sẽ cử các chuyên gia quản lý giỏi của mình tham gia các buổi họp HĐQT để đưa ra các ý kiến có chất lượng cao phục vụ lợi ích tốt nhất của công ty.
Vì vậy chúng tôi thiết nghĩ để bảo đảm quyền và lợi ích của các cổ đông là tổ chức cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của các công ty có cổ đông là tổ chức tham gia HĐQT, luật doanh nghiệp mới nên cho phép thành viên HĐQT là tổ chức. Sau khi được bầu làm thành viên HĐQT thì tổ chức được bầu sẽ ủy quyền cho một cá nhân thay mặt và đại diện cho tổ chức đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ của một thành viên HĐQT. Thành viên HĐQT là tổ chức có thể thay thế người đại diện theo ủy quyền bất kỳ lúc nào. Hiện nay trên thế giới đã có một số nước cho phép thành viên HĐQT là pháp nhân, ví dụ như Pháp và Bỉ. Bộ Luật Thương mại của Pháp (Điều L225-20) quy định : “Một pháp nhân có thể được bầu làm thành viên HĐQT. Ngay sau khi được bầu, pháp nhân đó phải chỉ định một người đại diện thường trực và người đó có các quyền và nghĩa vụ như một thành viên HĐQT là cá nhân [...]. Khi pháp nhân đó rút đại diện thường trực thì (pháp nhân đó) phải cử người thay thế ngay lập tức.”
5. Về quy định về số lượng HĐQT mà một cá nhân có thể tham gia
Điều 131.1.c dự thảo quy định “Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của công ty khác, nhưng tối đa không quá bốn”. Luật Doanh nghiệp 2005 không hạn chế số lượng HĐQT mà một cá nhân có thể tham gia. Thực tế để đảm bảo phát huy được tối đa năng lực của mỗi thành viên HĐQT thì mỗi thành viên HĐQT không nên ôm đồm quá nhiều công việc tại nhiều công ty khác nhau để có thời gian tham gia dự các cuộc họp HĐQT mà mình là thành viên. Tuy nhiên chúng tôi cũng không hiểu tại sao người đưa ra dự thảo lại quy định con số 4 (HĐQT) mà một người có thể tham gia. Nếu là thành viên của một nhóm có 5 công ty thì liệu một thành viên HĐQT của công ty mẹ có được quyền tham gia HĐQT của 4 công ty con hay không?
Ngoài ra luật cũng không đề cập đến trường hợp một người nào đó tham gia quá 4 HĐQT thì sẽ xử lý như thế nào. Câu hỏi đặt ra là nếu một người tham gia làm thành viên của quá 4 HĐQT thì sẽ phải chịu hình thức chế tài gì? Số phận các quyết định của các HĐQT mà có thành viên vi phạm mức trần 4 công ty tham gia sẽ ra sao? Liệu chúng có bị vô hiệu không?.
Vì vậy chúng tôi đề xuất, luật nên quy định “Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của công ty khác, nhưng tối đa không quá bốn. Trong trường hợp vi phạm quy định này, thành viên vi phạm phải từ bỏ vị trí thành viên của một hoặc một số HĐQT mà người đó tham gia trong vòng ba tháng kể từ ngày xảy ra sự kiện vi phạm để bảo đảm đúng số lượng HĐQT được tham gia theo quy định tại khoản một của điều này. Sau thời hạn này, người đó sẽ bị đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT trong công ty vượt quá số lượng quy định tại khoản một điều này, đồng thời người đó sẽ phải hoàn lại toàn bộ các khoản thu nhập hoặc thù lao đã nhận được. Các quyết định của HĐQT mà người vi phạm tham gia biểu quyết vẫn giữ nguyên giá trị”.
Bình luận