Hội đồng quản trị đầu tiên ( Dự thảo Luật Doanh nghiệp )

Luật Doanh nghiệp (LDN) sửa đổi đang được lấy ý kiến để hoàn thiện hơn chế định về HĐQT.


1. Về HĐQT đầu tiên


Sau ĐHĐCĐ thì HĐQT là cơ quan có thẩm quyền cao nhất thực hiện chức năng quản lý công ty. Điều đó có nghĩa là ngay sau khi công ty thành lập thì HĐQT đã phải ra các quyết định để phục vụ cho việc quản lý công ty. Nhiều  hợp đồng, giao dịch phải được sự phê duyệt của HĐQT mới có hiệu lực pháp lý, nhất là chức danh giám đốc (kiêm người đại diện theo pháp luật) còn phải được chính thức bổ nhiệm bằng một quyết định của HĐQT thì mới có thẩm quyền đại diện cho công ty trong mối quan hệ với các bên thứ ba.


Như vậy cần thiết LDN phải quy định việc thành lập HĐQT đầu tiên của công ty. Tuy nhiên điều đáng tiếc rằng từ Luật Công ty 1990 đến nay, các nhà lập pháp Việt Nam chưa bao giờ đề cập đến vấn đề này.


Hệ quả là sau khi thành lập nhiều công ty có thể do chưa có điều kiện tổ chức họp ĐHĐCĐ hoặc không để ý đến việc cần thiết phải có HĐQT theo đúng quy định nên vẫn hoạt động không có HĐQT.


Như vậy nếu xét về khía cạnh tổ chức thì công ty hoạt động một cách vô chính phủ. Xét về khía cạnh pháp lý thì một cơ quan của công ty đã bị thiếu hụt dẫn đến nhiều hợp đồng giao dịch nằm trong phạm vi quyền hạn phê duyệt của cơ quan này sẽ không đủ điều kiện pháp lý để thực hiện hoặc nếu cố tình thực hiện sẽ có thể bị tuyên vô hiệu khi tranh chấp. Điều đó sẽ gây thiệt hại cho công ty.


Như vậy chúng tôi thấy LDN mới cần có điều khoản quy định về HĐQT đầu tiên của công ty. Để phù  hợp với thực tế của doanh nghiệp Việt Nam, luật doanh nghiệp mới có thể quy định trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có biên bản họp các cổ đông sáng lập và danh sách các thành viên HĐQT đầu tiên (không cần bầu bằng phương thức bầu dồn phiếu). HĐQT đầu tiên được quyền hoạt động ngay sau khi công ty được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ đầu tiên thì các cổ đông sẽ xem xét có thể bầu HĐQT mới theo quy định của pháp luật nếu thấy cần thiết.


Ls Vũ Văn Tính

Bình luận