Chính phủ còn có thể trợ cấp xuất khẩu cho nông nghiệp sau khi gia nhập WTO không?

So với các hình thức trợ cấp khác, trợ cấp xuất khẩu gây ra hệ quả bóp méo thương mại quốc tế nhiều nhất và vì vậy quy định đối với hình thức trợ cấp này cũng nghiêm ngặt nhất. Tuy vậy, nếu như trợ cấp xuất khẩu đối với hàng phi nông nghiệp bị WTO cấm hoàn toàn thì trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp vẫn được thừa nhận ở mức độ nhất định và phải đáp ứng một số điều kiện chi tiết. Cụ thể:

Về nguyên tắc, trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp là biện pháp bị cấm.
Đối với các biện pháp trợ cấp xuất khẩu đang áp dụng, các nước được phép sử dụng nếu thuộc nhóm 6 loại trợ cấp xác định nhưng phải cam kết cắt giảm cả về giá trị trợ cấp (tính bằng tiền) và số lượng nông sản được trợ cấp. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ áp dụng cho các nước thành viên gia nhập WTO từ năm 1995 trở về trước.

Trợ cấp xuất khẩu cho nông nghiệp là biện pháp bị cấm hoàn toàn đối với tất cả các nước gia nhập WTO sau 1/1/1995. Là nước gia nhập sau, Việt Nam phải bãi bỏ tất cả các trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp (trừ trường hợp được hưởng đối xử ưu đãi dành cho nước đang phát triển). Như vậy, về cơ bản, doanh nghiệp Việt Nam không hy vọng được hưởng các hình thức trợ cấp xuất khẩu này.

Hộp 2 - Các loại trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp

Trợ cấp trực tiếp (cho nhà sản xuất, hợp tác xã, Hiệp hội, một cơ quan tiếp thị) tuỳ thuộc vào việc thực hiện xuất khẩu;
Bán hoặc thanh lý dự trữ nông sản của Chính phủ cho xuất khẩu với giá rẻ hơn so với bán cho tiêu dùng trong nước;
Các khoản thanh toán cho xuất khẩu nông sản do Chính phủ chi trả giúp.
Trợ cấp nhằm giảm chi phí xuất khẩu nông sản (trừ các trợ cấp cho dịch vụ xúc tiến xuất khẩu và dịch vụ tư vấn), bao gồm: cước phí vận chuyển, nâng phẩm cấp, các chi phí chế biến khác, chi phí vận tải quốc tế và cước phí;
Ưu đãi về phí vận tải nội địa và cước phí đối với nông sản xuất khẩu
Trợ cấp dựa vào thành tích xuất khẩu.

Bình luận