Bất cập Luật Doanh nghiệp nhìn từ thực tiễn

Bất cập Luật Doanh nghiệp nhìn từ thực tiễn




Thành lập DN: Đăng ký, hay là “xin”?

Những ‘điểm mù’ ở cơ chế cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là nguyên nhân gây ra tình trạng… có ‘phong bì’ trong hồ sơ đăng ký”

Khó đăng ký bởi luật chồng chéo

Đăng ký kinh doanh, nghĩa tại mặt chữ là khi có ý tưởng kinh doanh và muốn thành lập DN, chủ đầu tư chỉ cần làm thủ tục đăng ký để khai sinh DN. Nhưng trên thực tế, thủ tục không phải là “đăng ký” mà vẫn là “xin phép” để thành lập DN.

Luật Doanh nghiệp 2005 (Luật DN) là luật chuyên ngành về tổ chức, quản lý DN. Tuy nhiên, DN không chỉ chịu chi phối bởi Luật DN mà còn chịu chi phối bởi rất nhiều luật có liên quan khác.

Trong chương trình rà soát lại Luật DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với phần về thành lập DN, luật gia Cao Bá Khoát cho rằng, quy định tại Điều 3, Luật DN còn nhiều điều chưa hợp lý. Điều khoản này quy định việc áp dụng theo Luật DN và luật liên quan trong trường hợp đặc thù: việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DN được quy định tại luật khác thì áp dụng theo quy định của luật đó. Theo luật gia Cao Bá Khoát, đăng ký DN là thủ tục khai sinh ra DN xuất phát từ ý tưởng thành lập DN, còn việc DN hoạt động hay đầu tư như thế nào là quá trình phát triển ý tưởng kinh doanh. Chúng ta phải hiểu là, mọi DN được thành lập, tổ chức, quản lý theo Luật DN, còn hoạt động thì có thể theo luật chuyên ngành nếu như hoạt động đó liên quan đến luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức lại cho rằng, vẫn phải chấp nhận một số ngoại lệ: việc “thành lập, tổ chức quản lý” phải theo cả luật riêng, điển hình là Luật Các tổ chức tín dụng - đã quy định khác về việc thành lập, tổ chức và quản lý của các TCTD.



DN phải đăng ký ngành nghề theo danh mục có sẵn, nên nhiều khi phải chọn “đại” cho xong, vì nghề mới của DN không có trong đó

 

Phạm vi điều chỉnh của Luật DN 2005 là việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DN, còn phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư là hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh. Nhưng khi đi vào chi tiết thì hai luật này lại chồng chéo nhau. Chẳng hạn, liên quan đến vấn đề hoạt động của DN, đáng lẽ, Luật Đầu tư chỉ cần điều chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng trên thực tế, lại điều chỉnh cả việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN bằng quy định tại Điều 20, Luật DN 2005: Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 

Và những vấn đề khác

Tuy nhiên, những khó khăn mà DN phản ánh phần lớn không đến từ những điều luật mà là từ văn bản hướng dẫn và cơ chế thực thi. Theo luật sư Trần Minh Hải, DN muốn được khai sinh còn phải vượt qua cửa ải là những vùng cấm, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Để vượt qua, DN phải có chứng chỉ ngành nghề, có vốn đủ lớn, có nhân sự đủ trình độ…

 

Tự do kinh doanh cũng là một chủ trương lớn được Luật DN khuyến khích. Tuy nhiên, sự tự do đó nằm trong khuôn khổ những ngành nghề nhất định được liệt kê trong một Nghị định về hướng dẫn đăng ký kinh doanh. Khi có ý tưởng kinh doanh mới, rất có thể, ông chủ tương lai sẽ không thể đăng ký ngành nghề như mong muốn mà chỉ có thể lựa chọn một ngành nghề từa tựa trong danh mục có sẵn. Một công ty cung cấp dịch vụ đào tạo riêng biệt cho một ngành nghề đã gặp phải vướng mắc như vậy. Ngành nghề mà công ty này muốn đăng ký không có trong danh mục, do đó, công ty đã phải lựa chọn ngành nghề gần giống.

 

Một công ty khác đã lựa chọn được tên DN, song cán bộ đăng ký kinh doanh lại từ chối. Lý do không phải là tên này vi phạm những điều cấm khi đặt mà chỉ đơn giản là tên nghe không chuẩn, không phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh…

 

Không ít người đã bị trả lại hồ sơ đăng ký thành lập DN mà lý do hoàn toàn phụ thuộc vào cách hiểu luật và sự chấp thuận của cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh kiểu như vậy. Với trường hợp DN nêu trên, khi sang đăng ký kinh doanh ở phòng đăng ký kinh doanh khác, cũng cái tên đó đã được cán bộ đăng ký kinh doanh chấp thuận. Đây không phải là vấn đề đúng hay sai mà là vấn đề về cơ chế làm việc và đôi khi, những “điểm mù” trong cơ chế này là nguyên nhân gây ra tình trạng… trong hồ sơ có “phong bì”.

 

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều phản ánh từ phía các DN, đó là vấn đề ghi danh cổ đông sáng lập trên Giấy chứng nhận ĐKKD. Theo quy định, trong 3 năm đầu thành lập, Giấy chứng nhận ĐKKD sẽ ghi nhận thông tin sở hữu của cổ đông sáng lập. Sau 3 năm, thông tin này không còn thay đổi và những cổ đông sáng lập sẽ được ghi danh cho tới khi công ty đóng cửa. Nhiều DN, cổ đông cũng như các đối tác khi tham gia mua bán, chuyển nhượng cổ phần cho rằng điều này không hợp lý. Những cổ đông đã không còn sở hữu cổ phần thì không cần thiết phải ghi danh trên Giấy chứng nhận ĐKKD. Trong khi đó, những cổ đông chiếm cổ phần chi phối thì cần thiết phải ghi nhận như vậy để giúp đối tác của DN tiện kiểm tra, xác minh.

 

Một DN Đài Loan khi đầu tư vào Việt Nam đã thắc mắc: vì sao khi DN này đầu tư vào công ty mới thành lập được 2 năm, số vốn không nhiều thì được ghi tên trên Giấy chứng nhận ĐKKD, trong khi đầu tư vào công ty có thâm niên hoạt động hơn 10 năm và số vốn lớn lại không được ghi nhận trên Giấy chứng nhận ĐKKD.

 

“Nếu biện giải là để vinh danh cổ đông sáng lập thì không cần thiết vì nguyên tắc của CTCP là nguyên tắc đối vốn, người ta chỉ cần biết ai đang là cổ đông lớn, ông chủ lớn tại công ty mà không quan tâm ai là người sáng lập công ty”, luật sư Trương Thanh Đức nói.





Hoàng Duy

Bình luận