Theo Biểu cam kết dịch vụ, Việt Nam sẽ mở cửa những dịch vụ nào khi gia nhập WTO?



Trong Biểu cam kết dịch vụ của mình, Việt Nam đã đưa ra cam kết mở cửa (phải cho phép doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam tối thiểu ở mức như đã cam kết) đối với 11 ngành dịch vụ (bao gồm khoảng 110 phân ngành dịch vụ):

1. Dịch vụ kinh doanh;

2. Dịch vụ thông tin;

3. Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ liên quan;

4. Dịch vụ phân phối;

5. Dịch vụ giáo dục;

6. Dịch vụ môi trường;

7. Dịch vụ tài chính;

8. Dịch vụ y tế và xã hội;

9. Dịch vụ du lịch;

10. Dịch vụ văn hóa, giải trí và thể thao;

11. Dịch vụ vận tải.

Như vậy, so sánh với phân loại các ngành dịch vụ của WTO (12 ngành với khoảng 155 phân ngành), ngành dịch vụ duy nhất mà Việt Nam không cam kết là "các dịch vụ khác".






Hộp 2 – Sự khác nhau giữa các lĩnh vực dịch vụ đã cam kết và lĩnh vực dịch vụ chưa cam kết
Đối với những lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết thì việc mở cửa thị trường cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài của Việt Nam trên thực tế phải thực hiện tối thiểu là theo mức đã cam kết và theo lộ trình cam kết. Đồng thời, Việt Nam cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ khác trong cam kết cam kết chung về dịch vụ (còn gọi là cam kết nền) và trong Hiệp định Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO (về những vấn đề mà cam kết cụ thể không quy định).
Những lĩnh vực dịch vụ nào Việt Nam chưa cam kết thì Việt Nam hoàn toàn có quyền quyết định về mức mở cửa thị trường và thời hạn mở cửa tùy thuộc vào tình hình và nhu cầu thực tế của Việt Nam.

Chú ý: Bảng phân loại các ngành và phân ngành dịch vụ của WTO chỉ nêu tên các ngành/phân ngành dịch vụ mà không nêu rõ các hoạt động, dịch vụ cụ thể trong từng ngành/phân ngành đó. Do đó, giống như hầu hết các Thành viên WTO khác, cam kết của Việt Nam có dẫn chiếu đến mã CPC (Central Product Classification) để làm cơ sở tham khảo.






Hộp 3 - Mã CPC là gì?
CPC là hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hợp Quốc.
Do WTO chưa có định nghĩa chính xác về từng ngành dịch vụ nên nhiều cam kết trong khuôn khổ WTO được thực hiện dựa trên phân loại và định nghĩa này của CPC.
Mỗi ngành/phân ngành dịch vụ trong WTO đều tương ứng với một mã CPC nhất định. Mỗi mã CPC về một ngành/phân ngành dịch vụ lại được chia thành các mã CPC chi tiết hơn, với định nghĩa khá đầy đủ về dịch vụ.
Ví dụ, dịch vụ y tế và nha khoa có mã CPC 9312 và được định nghĩa trong CPC bao gồm các dịch vụ sau: "các dịch vụ chủ yếu nhằm ngăn ngừa, chuẩn đoán và điều trị bệnh thông qua tư vấn với cá nhân bác sỹ mà không phải trải qua chăm sóc chính thức tại bệnh việc, trừ dịch vụ chăm sóc tại ngoại (một phần trong ngày), bao gồm các phân ngành Dịch vụ y tế chung, Dịch vụ y tế chuyên khoa và Dịch vụ nha khoa».
Chi tiết về mã CPC có thể tham khảo tại http://unstats.un.org

Lưu ý : Định nghĩa dịch vụ trong CPC chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm hiểu định nghĩa chính xác của mỗi ngành dịch vụ để xác định cụ thể hoạt động của mình phải tuân thủ quy định pháp luật nào và mức độ mở cửa thị trường của ngành đó đến đâu thì phải căn cứ vào các văn bản pháp luật cụ thể của Việt Nam (phần đối tượng điều chỉnh của các văn bản này).

Bình luận