Cổ đông sáng lập

Về mặt nguyên lý thì cổ đông sáng lập phải là người có ý tưởng thành lập công ty, có một phần vốn và có kỹ năng quản trị công ty để thực hiện ý tưởng.

Việc ghi nhận người sáng lập ra công ty là sự ghi nhận công ơn của thế hệ sau đối với những người đã có ý tưởng thành lập và có công có của đóng góp cho công ty. Theo từ điển tiếng Việt 1997 trang 816 thì sáng lập là xây dựng những cơ sở đầu tiên để thành lập nên cái trước đó chưa hề có.

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần và Khoản 1 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Số lượng cổ phần tối thiểu của mỗi cổ đông sáng lập và số lượng cổ đông sáng lập do Đại hội đồng cổ đông quyết định và quy định tại Điều lệ công ty.

Như vậy, cơ cấu cổ đông sáng lập khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá hoàn toàn do Đại hội đồng cổ đông quyết định và quy định tại Điều lệ công ty, về số lượng cổ đông sáng lập không quy định nên chỉ cần một số cổ đông lớn hoặc chỉ cần một cổ đông là nhà nước là đủ. Vì thực chất việc hình thành công ty cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước là do có quyết định của nhà nước cho chuyển thành công ty cổ phần nên đương nhiên sáng lập công ty cổ phần từ việc chuyển doanh nghiệp nhà nước phải là Nhà nước, kể cả khi Nhà nước không còn giữ cổ phần nào vì bản thân công ty cổ phần này do doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi. Vì vậy, Khoản 2 Điều 15 Nghị định 139/2007/N Đ-CP quy định: công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. Quy định này được đánh giá là một quyết định đúng đắn.

Bình luận